Cảm động nhìn cô bé ung thư mơ làm bác sĩ chữa bệnh cho mẹ

Thấy mẹ về nhà sau đợt hóa trị, Tố Tố liên tục hỏi mẹ hết mệt chưa, còn đau không, dù bản thân cũng đang điều trị u nguyên bào thận.
Bữa cơm trưa cuối tháng 4 của gia đình chị Huỳnh Thị Hiền, 41 tuổi, trú tại thôn Thuận Thái, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, vui hơn khi đầy đủ các thành viên. Suốt bữa ăn, con gái út Bùi Huỳnh Tố Tố liên tục nhắc mẹ ăn nhiều để mau khỏi bệnh. “Con muốn trở thành bác sĩ để cứu mẹ”, cô bé 5 tuổi nói lớn.
Đây không phải lần đầu chị Hiền nghe con gái nhắc về ước mơ. “Chẳng gì chua xót hơn khi một đứa trẻ ung thư lại luôn cổ vũ, động viên nguời mẹ cũng bị ung thư sớm vượt qua bạo bệnh”, chị Hiền nói.
Cách đây tròn hai năm, bé Tố Tố, con út của chị Hiền, bỗng nổi một cục u cứng ở bụng dưới. Gia đình sinh nghi liền đưa con đi bệnh viện kiểm tra. Sau nhiều xét nghiệm, bác sĩ ở thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) thông báo cô bé bị u nguyên bào thận giai đoạn 3, cần vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 ở TP HCM gấp.
Kết luận này khiến người mẹ đang điều trị ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM chết lặng.
Nhà neo người, bố mẹ hai bên già yếu, chị Hiền bàn với chồng đưa con út vào TP HCM điều trị. Anh Bùi Xuân Tuấn, chồng chị, ở nhà lo việc đồng áng và chăm sóc ba đứa con đang tuổi đi học.
Suốt 6 tháng ở TP HCM, chị Hiền không nhớ Tố Tố phải trải qua bao nhiêu đợt truyền hóa chất trước khi phẫu thuật cắt bỏ khối u. Hình ảnh con gái co quắp trên giường bệnh, cứ ăn lại nôn, cơ thể đau nhức đến mất ngủ khiến chị không thể quên.
Ngỡ bệnh được ngăn chặn sau phẫu thuật, nhưng bác sĩ khuyên gia đình nên đưa bé ra Bệnh viện Trung ương Huế điều trị ngừa di căn.
Tháng 10/2021, hai mẹ con lại lên đường.
Ảnh chụp Tố Tố sau khi được xuất viện về nhà đầu năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đi viện tốn kém, mỗi bữa chị Hiền chỉ dám mua một suất cơm. Tố Tố ăn bao nhiêu, phần còn lại là của mẹ. Thi thoảng có đoàn từ thiện đến viện hỗ trợ các trường hợp khó khăn, chị mới dám mua cho con thêm hộp sữa, vài quả cam cải thiện.
Mới 3 tuổi nhưng cô bé rất hiểu chuyện. Biết bản thân bị bệnh nhưng em lại lo cho sức khỏe của mẹ nhiều hơn. Trước mỗi bữa ăn Tố Tố đều đòi chia mẹ phần cơm nhiều bởi “còn bé nên ăn ít”, sau lại nhắc chị uống thuốc đúng giờ. Lúc thấy mẹ bị cơn đau giằng xé, cô bé lại giơ bàn tay đang gắn kim truyền xoa nhẹ vào lưng, như cách mẹ vẫn làm với em. Cảnh hai mẹ con cùng nhau vượt qua cơn đau khiến các y bác sĩ và bệnh nhân nhiều lần không kiềm được nước mắt.
Từ ngày theo con đi viện cũng là từng đó thời gian chị Hiền ngưng truyền hóa chất. Bởi mỗi lần “đánh thuốc” phải điều trị nội trú 21 ngày nhưng không ai chăm con chị đành bỏ. Chỉ có hai lần khi sức khỏe giảm sút chị mới nhờ bác sĩ và các bệnh nhân trong phòng trông con giúp để vào TP HCM tái khám, mỗi lần đi về tối đa ba ngày. Trước khi đi chị đều hỏi ý kiến con gái. Nhưng lần nào cô bé cũng nói mẹ sớm đi gặp bác sĩ để mau khỏi, bản thân ở lại hứa sẽ ngoan.
Cuối năm 2021, khi bệnh tình của Tố Tố chuyển xấu do kháng thuốc, bác sĩ khuyên gia đình nên đưa về. Sợ mất con, chị cầu xin được ở lại xuyên Tết để điều trị, mong tình hình thay đổi. “Phải vay mượn bao nhiêu tôi chấp nhận, chỉ mong cứu được con”, người mẹ kể.
Gia đình chị Hiền nằm trong số những hộ nghèo của xã. Hai vợ chồng làm ruộng, sau có trồng cây, nuôi gà, vịt. Lúc nông nhàn cả hai tranh thủ đi làm thêm, ai thuê gì làm nấy để tăng thu nhập.
Nhưng tiền kiếm được ăn còn chẳng đủ, sao có thể lo hàng chục triệu đồng đi viện mỗi tháng của hai mẹ con. Để có tiền chữa bệnh, chị vay ngân hàng 80 triệu đồng theo diện hộ nghèo, sau mượn thêm người thân, anh em. “Khó khăn đến mấy tôi cũng cố lo liệu để hai mẹ con chữa bệnh, sau cho ba đứa lớn được đến trường”, anh Tuấn chia sẻ.
Ông Phan Minh Phùng, trưởng thôn Thuận Thái, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, cho biết gia đình chị Hiền là hộ khó khăn nhất xã. Cả nhà có 6 người thì vợ và con gái út không may mắc ung thư, bố mẹ hai bên già yếu, bệnh tật không thể đỡ đần. Hiện, anh Tuấn là lao động duy nhất trong gia đình.
“Trước đây hai vợ chồng làm đều tay, không khá giả nhưng cố vun vén cũng đủ sống. Nhưng từ ngày vợ con bị ung thư thì tiền làm bao nhiêu cũng chẳng đủ”, ông Phùng nói.
Hiện, sức khỏe Tố Tố dần ổn định sau gần một năm điều trị và được xuất viện về nhà. Mỗi tháng một lần cô bé theo mẹ ra Huế kiểm tra các nang, u trong thận. Trong trường hợp đột nhiên ốm, sốt bất thường sẽ phải nhập viện điều trị.
“Các gia đình khác cần cố một thì tôi phải cố gấp đôi, gấp ba. Không chỉ cùng con chiến thắng bệnh tật, mà còn động viên chính mình. Hành trình này không dễ dàng nhưng tôi chưa từng có ý định bỏ cuộc”, chị Hiền nói.
Riêng với Tố Tố, khi chưa thể làm bác sĩ “xịn”, em nói sẽ trở thành người chăm sóc sức khỏe riêng của mẹ. “Lúc mẹ đau con sẽ xoa lưng, khi mẹ khó ngủ con sẽ hát ru. Mẹ chắc chắn sẽ khỏe lại”, cô bé ôm chặt mẹ thủ thỉ.
Cũng có hoàn cảnh đáng thương tương tự trong ngôi nhà nhỏ xíu ở ngõ sâu của xóm 4, xã Hưng Chính, TP Vinh, Nghệ An, tiếng ru cháu của bà Võ Thị Hải (60 tuổi) như tắc nghẹn. Khát sữa, bé Lò Phạm Hải Tiến (2 tháng tuổi) khóc ngằn ngặt, vặn đỏ cả người, át cả tiếng ru của bà ngoại. Vừa ru, vừa dỗ dành, bà Hải đút núm bình sữa vào miệng cháu. “Bú đi, bú đi con, đừng khóc nữa, bà thương…”, nước mắt của bà đã tràn má, nhỏ vào khuôn mặt của cháu.
Chị Phạm Thị Trang đang phải thở oxy và ăn qua đường ống dẫn trực tiếp vào dạ dày (Ảnh: Gia đình cung cấp).
Mãi bé Tiến cũng chịu bú sữa bình. Khóc mệt nên khi ăn no, thằng bé ngủ luôn trên tay bà. Nhìn đứa cháu nhỏ ngủ say trong tiếng nấc, nước mắt bà Hải lại rơi. Ở cái tuổi 60, một tay bà vừa chăm cháu, vừa lo cho tính mạng con gái đang “ngàn cân treo sợi tóc”…
Bà Hải sinh được 3 người con thì hai người khuyết tật nặng về mắt, trong đó có Phạm Thị Quỳnh Trang (19 tuổi). Trang phải mang kính 11-12 độ mới có thể nhìn thấy mờ mờ nên em cũng chẳng đến trường.
Lớn lên, Trang học nghề tẩm quất, mát xa dành cho người mù rồi ra Phú Thọ làm việc. Tại đây, cô gái trẻ quen biết, nảy sinh tình cảm với chàng trai cùng cảnh ngộ Lò Văn Nguyện, quê Sơn La, hơn cô 4 tuổi. Nếu như Trang còn nhìn thấy được chút ít thì trong đôi mắt Nguyện chỉ có bóng đêm.
Hai con người cùng cảnh ngộ, yêu thương nhau, gắn kết với nhau. Rồi Trang có thai, anh chị Nguyện từ Sơn La thay mặt bố mẹ già vào Nghệ An đặt vấn đề với bà Hải để hai đứa về chung một nhà. Nghĩ nhà trai xa xôi cách trở, bố mẹ lại già yếu, gia cảnh cũng chẳng hơn gì mình, con về trên đó khi sinh nở lại không có người chăm sóc, bà Hải bảo chuyện cưới xin cứ gác lại đó, đợi Trang mẹ tròn con vuông rồi tính.
Mẹ đi viện, bé Tiến khóc ngằn ngặt vì khát sữa (Ảnh: Hoàng Lam).
Ngày 7/3, bé Lò Phạm Hải Tiến ra đời. Trang khiếm thị nên bà Hải gần như phải thay con chăm cháu. Nguyện từ Phú Thọ về thăm vợ con, ở được ít hôm thì phải ra đi làm, dù sao cũng cần tiền mua bỉm, sữa…
“Tối 29/4, thằng Tiến khóc nên tôi dậy bật đèn xem thế nào thì thấy Trang đang co giật. Tôi hoảng quá, chỉ biết hét con trai, con dâu và hàng xóm. Trang được đưa xuống bệnh viện thành phố rồi chuyển qua bệnh viện tỉnh. Sáng 30/4, bệnh viện tỉnh giới thiệu ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Bác sĩ nói em bị chết nửa não, một bên não bị phù, nguy cơ tử vong cao…”, bà Hải bật khóc.
Cháu khóc khát sữa, nhớ mẹ, bà Hải cũng khóc theo (Ảnh: Hoàng Lam).
Nhìn con gái bất động nằm trên giường bệnh trong phòng cách ly, bà Hải đã nghĩ tới tình huống xấu nhất. Người mẹ nghèo khốn khổ định đưa con về nhà nhưng bác sỹ bảo Trang vẫn còn hi vọng nếu được điều trị, còn về nhà là cầm chắc cái chết.
Bà Hải quyết định để con ở lại, nhờ một người cháu họ ra trông nom thay, còn mình thì về quê vừa chăm cháu vừa xoay tiền. Nói là xoay chứ bà cũng không biết vay mượn ở đâu. Bà còn phải chăm mẹ chồng 97 tuổi mù lòa mấy chục năm nay. Căn nhà nhỏ là chỗ trú ngụ của 4 thế hệ, bán thì biết ở đâu? Trong khi đó con trai bà Hải thì cùng cảnh khiếm thị như em gái, chỉ quanh quẩn trong nhà, chi tiêu, ăn uống, học hành của hai đứa con một tay vợ phải lo.
Người mẹ nghèo rơi nước mắt khẩn cầu sự sống cho con gái khiếm thị đang chống chọi với bạo bệnh (Ảnh: Hoàng Lam).
Thiếu hơi mẹ, khát sữa, bé Tiến quấy khóc cả ngày. Bà Hải phải bế trên tay luôn. Cháu khóc, bà cũng khóc, vừa thương cháu, vừa lo cho con. “Mấy bữa nay cứ nghe tiếng điện thoại là giật mình thon thót, sợ bệnh viện gọi ra đưa con về. Mấy nay đứa cháu ngoại ở ngoài đấy bảo Trang vẫn đang phải nằm trong phòng bệnh, không được vào, cũng không thấy có chuyển biến gì”, bà Hải kể.
Trang nằm viện, chồng vào thăm được một lần, hôm bà Hải còn ở ngoài đó. Bà về quê, Nguyện thì chẳng biết đường đi lối lại, không ai đón dẫn vào viện nên cũng chẳng vào được. Vả lại, mắt mũi như thế, vào viện cũng không giúp được gì cho vợ, mà về đây cũng không thể chăm con.
Người phụ nữ góa bụa, chăm mẹ chồng mù lòa mấy chục năm, lo con gái đang nguy kịch chỉ mong đứa cháu có mẹ… (Ảnh: Hoàng Lam).
Dù không muốn nhưng bà Hải đã nghĩ tới tình huống xấu nhất, thậm chí nếu cứu chữa được thì khả năng phục hồi của Trang rất thấp, có thể trở thành người thực vật. “Có cách nào cứu con tôi không?. Trang dù chỉ nằm một chỗ nhưng ít nhất cháu tôi còn có mẹ, không phải chịu cảnh mồ côi…”, bà bật khóc.
Bà Trần Thị Hoa – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hưng Chính cho biết, con gái bà Võ Thị Hải ngã bệnh, gia đình vốn đã khó khăn, nay càng trở nên túng quẫn, bởi vừa phải lo cho con nằm viện, vừa lo cho cháu mới chào đời.
“Vừa qua mặt trận, các tổ chức đoàn thể xóm, Hội liên hiệp phụ nữ xã cũng đã đứng ra tổ chức vận động, quyên góp được một khoản kinh phí hỗ trợ bà Hải để cứu con gái, chăm lo cho cháu. Thay mặt Hội, tôi tha thiết mong nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của quý mạnh thường quân, độc giả Báo Dân trí để bà Hải có điều kiện tốt hơn trong chữa trị cho con và chăm sóc cháu”, bà Trần Thị Hoa nói.
Mọi sự ủng hộ, giúp mã số 4863 xin gửi về:
1. Bà Võ Thị Hải
Địa chỉ: xóm 4, xã Hưng Chính, thành phố Vinh, Nghệ An
Điện thoại: 0385629054