Xót thương mẹ già vất vả nuôi 5 con, giờ nằm bất động trên giường sau vụ lật xe

Xe tải chở dưa gặp tai nạn kinh hoàng, lật úp trên núi khiến 4 người tử vong. Bà Bùi Thị Hòa là 1 trong 5 người may mắn sống sót, nhưng bà là người bị thương nặng nhất.
5 người con cầu cứu
“Nếu không có tiền chữa trị, 5 chị em tôi sợ rằng sẽ không giữ được mẹ…”, anh Đoan nghẹn ngào, nhìn người mẹ đang nằm trên giường bệnh.
15h, sau khi nghe thông báo đến lượt thăm, anh Mai Tấn Đoan (28 tuổi) lật đật lên khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc người lớn (ICU) của Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Mẹ của anh là bà Bùi Thị Hòa (63 tuổi, quê tại tỉnh Quảng Ngãi), một trong 5 người còn sống sót sau tai nạn kinh hoàng, hiện đang nằm bất động trên giường bệnh.
Anh Đoan nghẹn ngào, nhìn người mẹ nằm trên giường bệnh (Ảnh: Nguyễn Vy).
9h ngày 3/4, là lúc anh Đoan nhận được cuộc gọi khiến anh sững người, mãi không thể quên.
“Anh là người nhà của bà Hòa phải không? Bà bị tai nạn, phiền anh đến bệnh viện để làm thủ tục”, đầu dây bên kia nói với giọng gấp rút.
Lúc này, anh vẫn đang đi lái xe thuê, không tin vào những gì mình đang nghe. “Tôi có hỏi bác sĩ mẹ tôi có bị nặng không, nhưng người ta không trả lời. Lúc đó tôi mới có dự cảm không lành”, anh nói.
Bỏ ngang công việc, anh chạy một mạch đến bệnh viện. Bệnh viện đa khoa Phú Yên chẩn đoán bà bị đa chấn thương, xẹp đốt sống, gãy xương cẳng tay, gãy xương sườn số 6 đến 10 bên trái và 8 đến 10 bên phải.
Tối hôm trước, bà Hòa có báo với các con sẽ đi bốc dưa vào sáng hôm sau. “Chúng tôi thấy mẹ đã lớn tuổi nên có khuyên ngăn. Nhưng bà không nghe, 4h sáng đã đi. Vì vài đồng lo cho con cháu mà phải gặp tai nạn, sao đau đớn vậy mẹ ơi…”, anh Đoan chạnh lòng.
Gia đình khó khăn, bà Hòa vì muốn kiếm thêm tiền nuôi con, cháu nên không may gặp tai nạn (Ảnh: Nguyễn Vy).
Do bị thương quá nặng, bà Hòa được chuyển ngay đến Bệnh viện Chợ Rẫy và được đưa đến Khoa hồi sức tích cực chống độc đến nay. Thời gian đầu vì chưa có máy thở can thiệp, anh Đoan và chị gái phải ngồi bóp bóng thở cho mẹ cả đêm.
Thấy bàn tay vàng vọt của mẹ, đôi mắt mở hé không còn tỉnh táo, anh Đoan càng nặng lòng hơn.
Rời quê đến xã Bình Hiệp (tỉnh Quảng Ngãi) làm dâu, bà Hòa và chồng làm đủ nghề để lo cho con. Anh Đoan kể, bà có 4 người con gái và 1 người con trai út. Cuộc sống vất vả, bà Hòa chưa có lấy một ngày vui.
Trước đây, vợ chồng bà làm nghề bốc dưa mướn. Hễ tới mùa dưa, người ta lại thuê cả hai đi bốc dưa từ ruộng lên xe tải, trả vài trăm nghìn đồng. Những tưởng như vậy đã đủ chật vật, bỗng một ngày chồng bà nằm liệt giường vì căn bệnh tai biến mạch máu não.
Suốt 15 năm, bà Hòa tay trái chăm chồng, tay phải nuôi 5 người con. Năm 2021, chồng bà qua đời, bà Hòa vì vậy mà cô đơn, một mình lủi thủi nuôi con cháu. Mỗi ngày, bà Hòa đi làm thuê từ 6h đến tận chiều tối mới về.
Bà làm đủ thứ nghề, hễ ai thuê gì làm nấy, miễn là có tiền. Trong số những đứa con, người con gái thứ 3 của bà mắc chứng chậm phát triển. “Người chị đó có thai với người đàn ông lạ mặt, rồi sinh ra đứa bé cũng bị bệnh giống mẹ. Lớn lên, đứa trẻ không biết đọc, viết dù đã 20 tuổi, mẹ tôi một tay chăm luôn cháu ngoại”, anh Đoan chia sẻ.
Thương con cháu, dù vài lần gặp tai nạn suýt chết hay mang trong người nhiều bệnh nền, bà Hòa vẫn chắt chiu từng đồng. Vì thế, người ta thuê gì là bà Hòa đều đồng ý làm, mặc cho sự ngăn cản của các con.
Rồi một ngày, vì 1 triệu đồng tiền công, bà Hòa nằm bất động trên giường bệnh lạnh lẽo. Số tiền dành dụm cả đời đã tiêu hết, viện phí trong một tháng đã hơn 463 triệu đồng. Hay tin bà Hòa gặp nạn, hàng xóm, mạnh thường quân góp được 70 triệu đồng hỗ trợ. Nhưng số tiền này vẫn không đủ lo viện phí mỗi ngày.
Cầm cố để vay tiền chữa trị
Anh Đoan chia sẻ, dù có bảo hiểm y tế chi trả một phần, nhưng mỗi ngày gia đình anh phải lo viện phí khoảng 10 triệu đồng. “Số tiền này là quá lớn với chúng tôi. Tiền dành dụm đã dùng hết, giờ tôi phải đi thế chấp giấy tờ nhà, mượn được 100 triệu để lo tiếp cho mẹ”, anh Đoan nói trong nước mắt.
Các chị gái của Đoan làm nghề giáo viên, nhân viên y tế ở trường mầm non, mức lương bèo bọt chẳng thấm vào đâu. Anh Đoan làm nghề tự do, công việc không ổn định. Từ ngày mẹ gặp nạn, anh không kiếm được tiền vì dành hầu hết thời gian ở bên cạnh bà.
Anh Đoan lo sợ sắp tới không có đủ tiền lo chữa trị cho mẹ, anh và các chị sẽ mất mẹ mãi mãi (Ảnh: Nguyễn Vy).
Bác sĩ Chuyên Khoa I Trương Thị Mỹ Kiều cho biết, vào thời điểm nhập viện, bà Hòa vẫn còn tỉnh táo. Nhưng không lâu sau, bệnh nhân diễn tiến suy hô hấp, sốt cao nên được đặt ống nội khí quản và được chuyển xuống khoa hồi sức.
“Đến nay, bệnh nhân đã nhập viện được 1 tháng, có dấu hiệu sốt cao trong 3 tuần, suy thận cấp, tiểu ít. Hiện tại đã hết sốt, bắt đầu có nước tiểu bình thường. Bệnh nhân bị gãy rất nhiều xương sườn cả 2 bên, dẫn đến tình trạng khó thở”, bác sĩ nói.
Theo hồ sơ bệnh án, bà Hòa bị gãy xương sườn; gãy kín xương vai, gãy kín thân và đầu dưới xương quay (đang nẹp bột); gãy xẹp thân sống; gãy mỏm ngang, gãy mỏm gai; gãy thành xoang hàm, gò má, thành ngoài ổ mắt; dập phổi; xuất huyết mô mềm thành bụng; dập lách; tổn thương thận cấp cải thiện; viêm phổi nấm Candida albicans.
Chị Mai Thị Như (33 tuổi, con gái bà Hòa) rơi nước mắt khi nghĩ đến mẹ (Ảnh: Nguyễn Vy).
Dự kiến, hướng điều trị là mổ ráp các xương sườn bị gãy lại thì bà Hòa mới có thể cai máy và về nhà. Tuy nhiên, chi phí phẫu thuật rất cao.
“Theo đó, chi phí để phẫu thuật là 20 triệu đồng/cây xương sườn. Bà Hòa được chẩn đoán gãy khoảng 15 cây. Các bác sĩ sẽ chọn những cây xương sườn chính yếu, quyết định đến hô hấp để phẫu thuật”, bác sĩ nói.
Mỗi ngày, viện phí phải đóng là 8-10 triệu đồng, chưa kể tiền thuốc phát sinh. Dự kiến, bệnh nhân phải nằm viện ít nhất 2 tuần nữa. Tri giác của bà Hòa vẫn chưa khôi phục.
“Bệnh nhân tuổi đã cao, có 5 người con và đang sống cùng người con trai út. Nhưng hoàn cảnh gia đình của bà quá khó khăn. Phía bệnh viện hi vọng sẽ có các mạnh thường quân giúp đỡ để bà Hòa có cơ hội vượt qua”, bác sĩ Kiều nói.
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ mã số 4864 xin gửi về:
1. Anh Mai Tấn Đoan
Điện thoại: 0968148652
Địa chỉ: Đội 8, Thôn Liên Trì Tây, Xã Bình Hiệp, Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Cũng có hoàn cảnh đáng thương tương tự, trong ngôi nhà nhỏ xíu ở ngõ sâu của xóm 4, xã Hưng Chính, TP Vinh, Nghệ An, tiếng ru cháu của bà Võ Thị Hải (60 tuổi) như tắc nghẹn. Khát sữa, bé Lò Phạm Hải Tiến (2 tháng tuổi) khóc ngằn ngặt, vặn đỏ cả người, át cả tiếng ru của bà ngoại. Vừa ru, vừa dỗ dành, bà Hải đút núm bình sữa vào miệng cháu. “Bú đi, bú đi con, đừng khóc nữa, bà thương…”, nước mắt của bà đã tràn má, nhỏ vào khuôn mặt của cháu.
Chị Phạm Thị Trang đang phải thở oxy và ăn qua đường ống dẫn trực tiếp vào dạ dày (Ảnh: Gia đình cung cấp).
Mãi bé Tiến cũng chịu bú sữa bình. Khóc mệt nên khi ăn no, thằng bé ngủ luôn trên tay bà. Nhìn đứa cháu nhỏ ngủ say trong tiếng nấc, nước mắt bà Hải lại rơi. Ở cái tuổi 60, một tay bà vừa chăm cháu, vừa lo cho tính mạng con gái đang “ngàn cân treo sợi tóc”…
Bà Hải sinh được 3 người con thì hai người khuyết tật nặng về mắt, trong đó có Phạm Thị Quỳnh Trang (19 tuổi). Trang phải mang kính 11-12 độ mới có thể nhìn thấy mờ mờ nên em cũng chẳng đến trường.
Lớn lên, Trang học nghề tẩm quất, mát xa dành cho người mù rồi ra Phú Thọ làm việc. Tại đây, cô gái trẻ quen biết, nảy sinh tình cảm với chàng trai cùng cảnh ngộ Lò Văn Nguyện, quê Sơn La, hơn cô 4 tuổi. Nếu như Trang còn nhìn thấy được chút ít thì trong đôi mắt Nguyện chỉ có bóng đêm.
Hai con người cùng cảnh ngộ, yêu thương nhau, gắn kết với nhau. Rồi Trang có thai, anh chị Nguyện từ Sơn La thay mặt bố mẹ già vào Nghệ An đặt vấn đề với bà Hải để hai đứa về chung một nhà. Nghĩ nhà trai xa xôi cách trở, bố mẹ lại già yếu, gia cảnh cũng chẳng hơn gì mình, con về trên đó khi sinh nở lại không có người chăm sóc, bà Hải bảo chuyện cưới xin cứ gác lại đó, đợi Trang mẹ tròn con vuông rồi tính.
Mẹ đi viện, bé Tiến khóc ngằn ngặt vì khát sữa (Ảnh: Hoàng Lam).
Ngày 7/3, bé Lò Phạm Hải Tiến ra đời. Trang khiếm thị nên bà Hải gần như phải thay con chăm cháu. Nguyện từ Phú Thọ về thăm vợ con, ở được ít hôm thì phải ra đi làm, dù sao cũng cần tiền mua bỉm, sữa…
“Tối 29/4, thằng Tiến khóc nên tôi dậy bật đèn xem thế nào thì thấy Trang đang co giật. Tôi hoảng quá, chỉ biết hét con trai, con dâu và hàng xóm. Trang được đưa xuống bệnh viện thành phố rồi chuyển qua bệnh viện tỉnh. Sáng 30/4, bệnh viện tỉnh giới thiệu ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Bác sĩ nói em bị chết nửa não, một bên não bị phù, nguy cơ tử vong cao…”, bà Hải bật khóc.
Cháu khóc khát sữa, nhớ mẹ, bà Hải cũng khóc theo (Ảnh: Hoàng Lam).
Nhìn con gái bất động nằm trên giường bệnh trong phòng cách ly, bà Hải đã nghĩ tới tình huống xấu nhất. Người mẹ nghèo khốn khổ định đưa con về nhà nhưng bác sỹ bảo Trang vẫn còn hi vọng nếu được điều trị, còn về nhà là cầm chắc cái chết.
Bà Hải quyết định để con ở lại, nhờ một người cháu họ ra trông nom thay, còn mình thì về quê vừa chăm cháu vừa xoay tiền. Nói là xoay chứ bà cũng không biết vay mượn ở đâu. Bà còn phải chăm mẹ chồng 97 tuổi mù lòa mấy chục năm nay. Căn nhà nhỏ là chỗ trú ngụ của 4 thế hệ, bán thì biết ở đâu? Trong khi đó con trai bà Hải thì cùng cảnh khiếm thị như em gái, chỉ quanh quẩn trong nhà, chi tiêu, ăn uống, học hành của hai đứa con một tay vợ phải lo.
Người mẹ nghèo rơi nước mắt khẩn cầu sự sống cho con gái khiếm thị đang chống chọi với bạo bệnh (Ảnh: Hoàng Lam).
Thiếu hơi mẹ, khát sữa, bé Tiến quấy khóc cả ngày. Bà Hải phải bế trên tay luôn. Cháu khóc, bà cũng khóc, vừa thương cháu, vừa lo cho con. “Mấy bữa nay cứ nghe tiếng điện thoại là giật mình thon thót, sợ bệnh viện gọi ra đưa con về. Mấy nay đứa cháu ngoại ở ngoài đấy bảo Trang vẫn đang phải nằm trong phòng bệnh, không được vào, cũng không thấy có chuyển biến gì”, bà Hải kể.
Trang nằm viện, chồng vào thăm được một lần, hôm bà Hải còn ở ngoài đó. Bà về quê, Nguyện thì chẳng biết đường đi lối lại, không ai đón dẫn vào viện nên cũng chẳng vào được. Vả lại, mắt mũi như thế, vào viện cũng không giúp được gì cho vợ, mà về đây cũng không thể chăm con.
Người phụ nữ góa bụa, chăm mẹ chồng mù lòa mấy chục năm, lo con gái đang nguy kịch chỉ mong đứa cháu có mẹ… (Ảnh: Hoàng Lam).
Dù không muốn nhưng bà Hải đã nghĩ tới tình huống xấu nhất, thậm chí nếu cứu chữa được thì khả năng phục hồi của Trang rất thấp, có thể trở thành người thực vật. “Có cách nào cứu con tôi không?. Trang dù chỉ nằm một chỗ nhưng ít nhất cháu tôi còn có mẹ, không phải chịu cảnh mồ côi…”, bà bật khóc.
Bà Trần Thị Hoa – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hưng Chính cho biết, con gái bà Võ Thị Hải ngã bệnh, gia đình vốn đã khó khăn, nay càng trở nên túng quẫn, bởi vừa phải lo cho con nằm viện, vừa lo cho cháu mới chào đời.
“Vừa qua mặt trận, các tổ chức đoàn thể xóm, Hội liên hiệp phụ nữ xã cũng đã đứng ra tổ chức vận động, quyên góp được một khoản kinh phí hỗ trợ bà Hải để cứu con gái, chăm lo cho cháu. Thay mặt Hội, tôi tha thiết mong nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của quý mạnh thường quân, độc giả Báo Dân trí để bà Hải có điều kiện tốt hơn trong chữa trị cho con và chăm sóc cháu”, bà Trần Thị Hoa nói.
Mọi sự ủng hộ, giúp mã số 4863 xin gửi về:
1. Bà Võ Thị Hải
Địa chỉ: xóm 4, xã Hưng Chính, thành phố Vinh, Nghệ An
Điện thoại: 0385629054