Nhận cuộc gọi bi kịch nhất đời, mẹ đau đớn để bác sĩ tháo sọ não con trai

Trong đêm tối, người mẹ ngoài đảo xa nhận cuộc gọi bi kịch nhất cuộc đời. Bà đứng trước hai sự lựa chọn: Để bác sĩ tháo sọ não con hay để chàng trai hiếu thảo mới vào đại học vĩnh viễn lìa đời.
Hai tháng qua là khoảng thời gian khủng khiếp đối với vợ chồng cô Nguyễn Thị Bích Thủy (50 tuổi, ngụ xã Dương Tơ, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Bỏ hết công việc, nhà cửa ngoài đảo xa, người mẹ vào TPHCM chăm sóc đứa con trai bất hạnh – mới trước đó không lâu còn khỏe mạnh, là niềm tự hào của cả nhà.
Mẹ con bệnh nhân Bùi Nguyễn Quốc Trung tại bệnh viện (Ảnh: Hoàng Lê).
Cuộc gọi bi kịch nhất đời: Con trai phải tháo sọ não
Nhìn cặp mắt bệnh nhân Bùi Nguyễn Quốc Trung (19 tuổi) khép hờ, chốc lát lại thở dốc và lên cơn co giật, gương mặt cô Thủy xám xịt. Nỗi đau cố giấu kín lại lộ ra khi người mẹ sờ lên vùng đầu con trai còn in hằn vết mổ dài, da lõm sâu đến não. Không đau sao được, khi một phần sọ não của đứa con đã bị lấy đi vì căn bệnh quái ác… Khoảnh khắc bi kịch nhất đối với gia đình họ, đến vào đêm 14/3.
Cô Thủy kể, 6 tháng qua, con trai cô rời quê nhà ở đảo Phú Quốc vào đất liền, sau khi đỗ vào Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Kể từ đó, hầu như tối nào cậu con trai cũng nói chuyện với mẹ qua điện thoại, kể những vui buồn trên giảng đường, để vơi đi nỗi nhớ gia đình.
Nhưng đêm 14/3 lại khác. Gọi hàng chục cuộc mà không thấy con trai bắt máy, cô Thủy cứ thấp thỏm, linh tính có chuyện chẳng lành. 20h, một số lạ gọi đến, xưng là bạn ở chung ký túc xá, báo con trai cô đã nhập viện.
Nam sinh viên bất ngờ co giật, hôn mê sau buổi học ở trường (Ảnh: Hoàng Lê).
Theo lời thuật lại của người báo tin, sáng cùng ngày, sau khi tan buổi học giáo dục thể chất ở trường, Trung về ký túc xá nằm nghỉ ngơi rồi nằm đến tối, bạn gọi mãi mà không dậy. Tiến lại gần kiểm tra, mọi người tá hỏa phát hiện nam sinh viên đã nằm mê man, co giật, sùi bọt mép. Ngay sau đó, bạn cùng phòng đã báo bảo vệ và gọi xe đưa T. đi cấp cứu.
Ban đầu, khi nghe báo Trung nhập viện, cô Thủy chỉ nghĩ con trai vì thiếu máu hay ăn uống có vấn đề mới ngất xỉu tạm. Nhưng ngay sau đó khi nghe giọng nói từ bác sĩ, người mẹ chết điếng trước thông tin T. đã vào cơn nguy kịch.
“Bác sĩ báo con tôi bị dị dạng mạch máu não, phải tháo sọ não mổ gấp để xử lý mạch máu đã vỡ. Gia đình cần quyết định ngay, nếu không sẽ không còn kịp…” – cô Thủy ngậm ngùi kể.
Người mẹ đau đớn kể bi kịch đến với con trai (Ảnh: Hoàng Lê).
Biến cố ập đến bất ngờ khiến người mẹ sốc nặng. Nhưng thời điểm ấy, mạng sống của con trai không cho phép cô buông xuôi. Chỉ trong tích tắc, người mẹ nén nỗi đau, nói lời gan ruột qua điện thoại: “Bác sĩ thấy phương án nào tốt nhất, cứu được cháu thì hãy giúp giùm…”.
Dứt cuộc gọi, hai vợ chồng cô Thủy, chú Tâm gọi ngay cho đại lý máy bay. Nhưng vì đặt gấp trong đêm, hầu hết các nơi đều cho biết không còn vé vào TPHCM. Không bỏ cuộc, cô Thủy lao nhanh ra sân bay, tìm đến các quầy vé tại chỗ, với hy vọng tìm được ai giờ chót trả vé không đi. Như một sự sắp đặt, một hãng bay báo còn đúng 2 vé ở chuyến muộn nhất trong ngày.
Vậy là họ lao lên chiếc máy bay gấp gáp, không biết bất hạnh nào đang chờ mình phía trước.
“Con nhận ra cha mẹ là hạnh phúc lắm rồi…”
Gần 0h, sau khi xuống phi trường Tân Sơn Nhất, họ lại khẩn cấp đặt xe chạy một mạch vào bệnh viện lúc nửa đêm. Đến nơi thì con trai đã vào phòng mổ. Đêm ấy, là một đêm dài đằng đẵng, vô cùng nặng nề với vợ chồng cô Thủy.
Tựa vào chiếc ghế đặt ngoài phòng mổ, nước mắt người mẹ lăn dài, Bà chỉ biết khấn phật trời phù hộ cho con tai qua nạn khỏi. Chí ít, cũng phải sống, mọi thứ còn lại tính sau.
Sau ca mổ định mệnh, một phần sọ não của nam sinh viên đã bị tháo ra (Ảnh: Hoàng Lê).
Chẳng biết lời khẩn cầu ấy có được số phận hồi đáp hay không, nhưng sau khi ca mổ định mệnh kết thúc lúc hơn 1h sáng, tia hy vọng của Bùi Nguyễn Quốc Trung đã lóe lên.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Từ Văn Lai, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức cho biết, nam sinh viên được chẩn đoán bị dị dạng mạch máu não đã vỡ, gây ra các tình trạng xuất huyết và chèn ép não nặng.
Ngay khi nhận được sự đồng ý của gia đình, bệnh nhân đã được tháo nắp sọ não để phẫu thuật xử lý chèn ép, lấy máu tụ ở não và cầm máu khối dị dạng ở thái dương trái đêm 14/3. Một tuần sau đó, bệnh nhân tiếp tục được can thiệp DSA, làm tắc các mạch máu của khối dị dạng.
Đến nay trải qua 2 tháng điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, nhưng vẫn lơ mơ, thể trạng suy kiệt, yếu liệt nửa người bên phải, trong khi sức cơ nửa người bên trái còn đạt 3/5. Dự kiến khoảng một tháng sau, nếu sức khỏe bệnh nhân ổn định sẽ được tiến thành lắp lại hộp sọ.
Bác sĩ cho biết, bệnh nhân còn phải điều trị lâu dài và chưa biết khi nào hồi phục (Ảnh: Hoàng Lê).
Theo bác sĩ Lai, vì thời gian điều trị kéo dài, phải tập vật lý trị liệu triệt để và sắp tới cần mổ vá sọ, tháo ống nội khí quản…, tổng chi phí điều trị của bệnh nhân là rất lớn, dự kiến đến 100 triệu đồng. Nếu không có bảo hiểm y tế, bệnh nhân chắc chắn phải tốn kém hơn rất nhiều.
Tâm sự với phóng viên Dân trí, cô Thủy cho biết, mình là giáo viên tại một trường tiểu học ở Phú Quốc, trong khi người chồng – chú Bùi Văn Tâm là cán bộ xã bình thường, thu nhập chỉ đủ trang trải qua ngày. Từ khi con trai gặp nạn, họ đã đóng hơn 50 triệu đồng tạm ứng viện phí, đa phần là tiền vay mượn. Sắp tới nếu bệnh viện báo thêm tiền, cha mẹ bệnh nhân cũng chưa biết tính sao.
Chứng kiến hành động bóp tay chân, liên tục hút đàm cho con trai đang co giật của người mẹ, chúng tôi biết rằng, nỗi lo lớn nhất của cô Thủy giờ này là sự sống của con trai.
Hai vợ chồng cô Thủy mong mỏi từng ngày con trai tỉnh lại, gọi cha mẹ (Ảnh: Hoàng Lê).
Cô Thủy kể, dù mới vào đại học 6 tháng nhưng Tâm thích nghi rất nhanh với nghành Công nghệ máy tính. Chàng trai cũng tham gia các hoạt động rất năng nổ, còn được trường tặng giấy khen.
Sau khi sự việc xảy ra, thầy cô trong trường đã gom góp, hỗ trợ một phần chi phí cho Trung, cũng như thường xuyên qua bệnh viện thăm, tiếp sức để nam sinh viên sớm hồi phục.
“Điều trị hôm rày mà cháu chỉ mới có phản xạ thôi, chưa tiếp xúc được. Số phận con như vậy thì mình phải chấp nhận. Chỉ mong con tỉnh lại, nhận biết được cha mẹ là tôi hạnh phúc lắm rồi…” – cô Thủy nói, mắt đỏ hoe.
Mọi sự ủng hộ, giúp mã số 4860 xin gửi về:
1. Cô Nguyễn Thị Bích Thủy (mẹ bệnh nhân Bùi Nguyễn Quốc Trung)
Địa chỉ: Ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang
ĐT: 0354.638.889
Cũng có hoàn cảnh đáng thương tương tự mẹ bỏ đi khi Hoàn mới lên 3 tuổi, cậu bé sống cùng người bố đau yếu trong căn nhà xập xệ ở bìa rừng Cúc Phương. Hoàn khao khát được đến viện điều trị bệnh bởi em không thể nói như bao bạn bè khác…
Đó là câu chuyện đáng thương của cậu bé Đinh Việt Hoàn (đang theo học lớp 1A, trường Tiểu học Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình).
Cậu bé Đinh Việt Hoàn có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, mong em được một lần đến viện để khám và điều trị bệnh.
Đến thăm em khi trời đã nhá nhem tối, cô giáo Nguyễn Thị Hằng, chủ nhiệm lớp Hoàn cẩn thận mang theo đèn pin dẫn chúng tôi men theo bìa rừng. Ngôi nhà của em đơn sơ và chẳng có vật dụng gì đáng giá. Một chiếc chiếu cũ mèm được trải trên nền nhà vừa làm chỗ ngồi uống nước, vừa là chỗ ăn cơm, buổi tối là chỗ ngủ luôn của hai bố con.
Ngồi tựa vào tường, chốc chốc lại cúi đầu, bố của Hoàn – anh Đinh Văn Hiên ho liên tục. Đôi mắt trũng sâu, mệt mỏi, anh thều thào: “Vợ bỏ đi đã 3 năm rồi không có tin tức. Nhà chỉ có 2 bố con rau cháo nuôi nhau nhưng anh cũng yếu quá nên không lo được cho con”.
Mẹ bỏ đi từ khi cậu bé mới lên 3 tuổi, hiện em đang ở cùng người cha đau ốm. Các bạn được bố, mẹ đưa đi học, mua quần áo mới còn em chẳng có gì.
Thấy cô giáo đến, từ dưới bếp chạy lên nhà, Hoàn mừng ra mặt nhưng lại không thể chào được bình thường như các bạn khác. Em lấy hết sức, cố nói từng câu thều thào “Em… chào… cô” rồi lại nép mình vào tường, dõi đôi mắt ngơ ngác nhìn chúng tôi. Với em, một cậu bé sống quanh năm ở bìa rừng này, việc người lạ đến thăm là hiếm lắm nên em còn lạ lẫm và bỡ ngỡ.
Kéo đôi bàn tay bé xíu của em vào lòng, cô Hằng nghẹn lại: “Khi tôi tiếp quản lớp, nhìn Hoàn thương lắm. Các bạn được bố mẹ đưa đi học, mua quần áo mới nhưng riêng em chẳng có gì cả. Rồi trong lớp các bạn học hát, em cũng say sưa muốn hát theo nhưng chỉ là những tiếng ú ớ… Tôi có ghi lại 1 đoạn clip em cố hát nhưng không được mà ai xem cũng chảy nước mắt”.
Cuộc sống của bố con Hoàn hàng ngày chỉ biết trông chờ vào đồng tiền trợ cấp dành cho người khuyết tật.
Nghe tâm sự của cô giáo Hằng và xem đoạn clip được cô ghi lại, chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. Sinh ra đã thiệt thòi, lên 3 tuổi mẹ lại bỏ đi không tin tức, nên bất hạnh của em càng nhân lên gấp bội. Xót con, nhưng anh Hiên cũng đành bất lực phần vì sức khỏe của mình hạn chế, phần vì không biết vay mượn ai tiền để đưa con lên bệnh viện ở Hà Nội điều trị.
Cuộc sống nghèo khó cứ thế bủa vây hai bố con. Cô Hằng kể, những người dân quanh đây ai cũng thương cậu bé, đặc biệt thời gian khi em mới lên 3, mẹ bỏ đi bặt vô âm tín, em khóc nhiều và suốt ngày lang thang ngoài cổng dõi ánh mắt tìm mẹ. Không thể nói nhưng cứ nghe tiếng bước chân đi ngang qua là cậu bé lại chạy ùa ra vì ngỡ tưởng mẹ về… Ấy vậy mà thấm thoắt đã 3 năm trôi qua, cậu bé giờ nhắc đến mẹ chỉ là những cái lắc đầu vì không còn nhớ đến nữa.
Thương con, mơ ước lớn nhất của anh Hiên là được đưa Hoàn lên bệnh viện thăm khám và điều trị bệnh. Nhưng anh cũng không biết đến bao giờ mới thực hiện được bởi đến bữa ăn hàng ngày phải chật vật lắm mới lo được… nên việc điều trị bệnh dường như là không thể.
Cuộc sống khó khăn bủa vây bố con cậu bé nơi bìa rừng Cúc Phương.
Nhắc đến bố con cháu Hoàn, ông Đinh Trọng Hiệp – Phó chủ tịch UBND xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) cho hay, gia đình anh Hiên là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất trên địa bàn xã. Mẹ cháu bỏ đi từ lâu, anh Hiên “gà trống nuôi con” từ nhiều năm nay.
“Bố con anh ấy hiền lành, chất phác, chưa từng mất lòng ai trong vùng. Hoàn cảnh khó khăn, cháu hiện đang được trợ cấp người khuyết tật 720 ngàn đồng/tháng, nhưng cũng chỉ đủ tằn tiện ăn uống hàng ngày, chứ bảo có tiền lên Hà Nội trị bệnh là điều vô cùng khó khăn. Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm, những tấm lòng ở mọi miền đất nước chung tay giúp đỡ hy vọng cháu có tương lai tốt đẹp hơn”, ông Hiệp chia sẻ.
Tâm sự của ông Đinh Trọng Hiệp cũng là niềm mong mỏi của nhà trường và người dân nơi đây.
Ngày ngày Hoàn vẫn lủi thủi với bố trong căn nhà nhỏ ở bìa rừng Cúc Phương… Biết đến bao giờ con mới được ra thủ đô chữa bệnh?
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ mã số 4859 xin gửi về:
1. Anh Đinh Văn Hiên (bố cháu Hoàn)
Địa chỉ: Thôn Sấm 3, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình
Điện thoại: SĐT: 0328220951
Số tài khoản: 1033071591, Ngân hàng Vietcombank.
Chủ tài khoản: Đinh Văn Hiên.