Ngưỡng mộ chàng trai mù đi bán hàng xuyên Việt gây quỹ giúp người cùng cảnh ngộ

Các đoạn clip về chàng trai mù đang trên hành trình đi xuyên Việt bán hàng gây quỹ giúp người cùng cảnh ngộ nhận được hàng ngàn bình luận, lời động viên của cư dân mạng.
Đang ở tuổi 23 đầy hoài bão, ước mơ về tương lai thì một tai nạn ập đến khiến chàng trai Nguyễn Sỹ Phi Sang (25 tuổi, quê Nghệ An) bị mù 2 mắt, cụt tay phải. Tất cả dang dở, Sang bước qua một hành trình mới của cuộc đời…
Chỉ khóc đúng 1 giờ sau biến cố
Tranh thủ giờ nghỉ trưa tại Bắc Ninh trong hành trình xuyên Việt bán hàng gây quỹ giúp người cùng cảnh ngộ, Phi Sang cho biết chuyến đi của Sang và người bạn thân bắt đầu từ ngày 8.4. Đến nay, đôi bạn đã đi qua hơn 10 tỉnh và dự kiến mỗi ngày sẽ di chuyển đến một tỉnh, thành mới. Sang tự nhận xét năm 23 tuổi mình như có tất cả trong tay với một khoản tiền để dành, tình yêu và công việc làm chung với gia đình. Sau biến cố, Sang hụt hẫng khi biết vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng nữa, gia đình cũng xót xa mỗi lần nghĩ đến tương lai của con trai.
Sự giúp đỡ, chia sẻ của mọi người như tiếp thêm sức mạnh cho Sang trong hành trình này
“Người thân, bạn bè đến thăm rất nhiều, tôi được động viên, cảm thấy được mọi người yêu thương nên chỉ khóc đúng 1 tiếng đồng hồ, rồi chấp nhận số phận. Đến ngày tham gia vào hội người mù của tỉnh, thấy nhiều người mù lớn tuổi cuộc sống còn khó khăn hơn tôi nhiều nhưng họ vẫn tự cố gắng trong cuộc sống, tôi quyết định sẽ đi bán hàng xuyên Việt để gây quỹ giúp những người cùng cảnh ngộ”, Sang nói.
Để hành trình trọn vẹn, chàng trai 25 tuổi rủ thêm bạn thân là Phạm Ngọc Sỹ (cùng quê) đồng hành. Mong muốn biến ước mơ của bạn thành hiện thực, cũng như giúp người mù gặp khó khăn, Sỹ xin nghỉ việc rồi cùng bạn lên đường.
Sau biến cố ở tuổi 23, Sang mất 1 cánh tay và mù 2 mắt
NVCC
Công việc của Sỹ giờ đây là lái xe chở bạn, quay dựng clip cho bạn thân để cập nhật hành trình trên mạng xã hội. “Tôi nghỉ việc, đi cùng bạn thân vì muốn mình là đôi mắt của bạn. Có những người thấy tôi quay clip cũng hỏi thăm thì tôi giải thích việc chúng tôi đang làm là gì. Tôi thấy vui vì nhiều người thương bạn mình, luôn hỏi thăm, mua hàng hay giúp đỡ mà không cần lấy món hàng nào”, anh Sỹ bày tỏ.
Mong làm việc có ích
Khởi hành từ Hà Giang, đôi bạn đã đi qua gần hết các tỉnh khu vực Đông Bắc và Tây Bắc. Sau hơn 2 tuần, cả hai đang ở Bắc Ninh và dự định sẽ đi tiếp Bắc Giang, Hà Nội… Sang bộc bạch: “Tôi muốn lan tỏa yêu thương, mong muốn mọi người đồng cảm, giúp đỡ người khiếm thị. Tôi mong mọi người nhận ra, tôi dù không thấy đường nhưng vẫn có thể làm việc có ích giúp đời”.
Giỏ bán hàng của Sang là những món đồ dùng quen thuộc như: tăm bông, tăm tre, kẹo cao su, một ít bánh… Tại các điểm, Sang thường đứng bán từ 5 – 7 tiếng, sau đó cả hai di chuyển đi nơi khác. Cuối ngày, Sang giao hết số tiền bán được và tiền được giúp đỡ nhờ bạn đếm. Sau đó, cả hai cột cẩn thận, buộc dây thun lại theo ngày và không dùng tới số tiền này. Chàng trai nghị lực khẳng định: “Trước khi bắt đầu hành trình, tôi có chuẩn bị một ít tiền để trang trải dọc đường rồi. Toàn bộ số tiền gây quỹ chỉ dùng để khi kết thúc hành trình tặng cho người mù có hoàn cảnh khó khăn hoặc các buổi dạy nghề cho người mù”.
Nhìn lại 2 tuần qua, Sang thấy xúc động vì đến đâu cũng được đón nhận tình cảm của mọi người: có khi là em học sinh không có tiền gửi Sang ít bánh kẹo và kèm lời động viên; có khi là lời nhắc Sang đội mũ để tránh bị cảm; rồi người gửi năm, ba ngàn, người cho ngủ nhờ, mời ăn cơm… Trung bình mỗi ngày, cả hai bán được khoảng 700.000 đồng ở các tỉnh miền núi, 1 triệu đồng ở miền xuôi.
Ông Nguyễn Sỹ Lợi (52 tuổi, cha của Sang) chia sẻ, sau biến cố, gia đình từng lo Sang suy sụp, nhưng nhìn cách Sang vực dậy, ai nấy đều bất ngờ. Đặc biệt, khi Sang nói về ý định bán hàng xuyên Việt, ông đã khóc vì lo con đi sẽ cực, chịu không được. “Thấy con kiên quyết, tôi để con đi rồi liên lạc cập nhật hành trình mỗi ngày của con cùng bạn thân. Tôi thấy tự hào về con mình”.
Trước đó cũng có một chàng trai mang tấm lòng rộng mở như vậy để lan tỏa những điều tốt đẹp đến cuộc sống này.
Với mong muốn vừa du lịch trải nghiệm, vừa lan tỏa thông điệp an toàn giao thông, chàng trai mày mò, chế tạo chiếc xe đặc biệt hút đinh trong hành trình đi bộ xuyên Việt.
Truyền thông điệp an toàn giao thông
Khá nổi tiếng trên mạng xã hội, Trần Đức Trung (35 tuổi, quê Nghệ An), người đi bộ hút đinh xuyên Việt đã có mặt tại Đắk Lắk. Gặp Trung khi anh đang thoăn thoắt đẩy chiếc xe hút đinh ở TP.Buôn Ma Thuột, dáng người rắn rỏi, nhanh nhẹn, nước da đen nhẻm vì nắng gió. Đắk Lắk là tỉnh thứ 24 mà anh đặt chân qua.
Chàng trai đi bộ xuyên Việt tại một điểm dừng ở tỉnh Bình Phước
NVCC
Nói về lý do vừa đi bộ vừa hút đinh, Trung cho biết nhà anh ở quê gần đường lớn, trước đây anh chứng kiến nhiều người bị hư hỏng xe, thậm chí gặp tai nạn giao thông liên quan đến đinh, sắt vụn vương vãi trên đường. Do đó, anh muốn góp một phần nhỏ sức mình để nâng cao nhận thức của mọi người về an toàn giao thông.
“Nếu bạn tránh được một mảnh sắt vụn, một chiếc đinh, vít nhọn trên đường nhưng dửng dưng bỏ đi, không nhặt bỏ thì người đi đường, phương tiện khác cán qua sẽ gặp sự cố. Tôi mong chuyến đi của mình sẽ lan tỏa ý thức về an toàn giao thông tới mọi người từ những việc làm nhỏ nhặt nhất”, Trung chia sẻ.
Để có chuyến đi suôn sẻ, Trung đã mất gần 1 năm chuẩn bị. Theo đó, chàng trai xứ Nghệ đã tự mày mò, thiết kế và hoàn thiện chiếc xe đẩy có gắn thanh nam châm (dài 60 cm, rộng 10 cm) gắn dưới gầm để hút sắt vụn, đinh vương vãi trên đường. Song hành với việc chế tạo chiếc xe đẩy, anh Trung cũng tính toán lộ phí và tìm hiểu kỹ các cung đường, yếu tố địa lý, văn hóa ở các tỉnh, thành mình đi qua.
Một lượng lớn đinh, sắt vụn mà anh Trung hút được trên hành trình của mình
Tháng 9.2022, anh Trung đón xe vào Cà Mau, bắt đầu hành trình đi bộ hút đinh xuyên Việt. Sau khi “dọc ngang” hết các tỉnh miền Tây, anh di chuyển đến các tỉnh Đông Nam bộ. Đầu năm 2023, anh Trung lên vùng Tây nguyên, đón tết tại Lâm Đồng rồi di chuyển qua Đắk Nông và Đắk Lắk.
Vui buồn trên những cung đường
Theo anh Trung, suốt hành trình của mình, anh gặp không ít chuyện vui buồn. Trên những cung đường, anh có thêm nhiều bạn mới, được nhiều người biết đến, chào đón và nhận được những cái bắt tay, cái ôm đầy bất ngờ của người dân cũng như cánh tài xế. Tuy nhiên, anh cũng bắt gặp vài ánh mắt ái ngại, dè chừng do họ không mấy hiểu, thiện cảm với những người đi bộ như anh hoặc có thể do người đi bộ trước đó đã để lại ấn tượng không tốt với họ.
“Hiện tôi đã đi khoảng 2/3 chặng đường trên QL14 đoạn qua tỉnh Đắk Lắk. Dự tính vừa đi, vừa khám phá thêm vài địa điểm du lịch tại đây sau đó sẽ di chuyển về Khánh Hòa”, Trung thổ lộ. Anh cũng cho biết ban đầu dự kiến đi khoảng 20.000 km trong thời gian 4 năm. Tuy nhiên, khi trải nghiệm thực tế, dự tính sẽ rút lại khoảng 3 năm với hành trình khoảng 15.000 km. Trung cũng chia sẻ hiện anh chưa đi hết tỉnh Đắk Lắk nên chưa biết đã hút được bao nhiêu ki lô gam đinh và sắt vụn. Còn tại Đắk Nông anh hút được 3 kg, Lâm Đồng 1,5 kg, Bình Phước khoảng 0,8 kg…
Cũng theo anh Trung, trên mạng xã hội có người nói anh đi để làm YouTube kiếm tiền, có người lại nói anh bị khùng… Tuy nhiên, anh không để tâm những lời đàm tiếu, vẫn kiên định đi để trải nghiệm, khám phá các tỉnh thành khắp đất nước. Sau khi kết thúc hành trình, anh dự tính có thể về quê cưới vợ, lập gia đình.