Ngưỡng mộ người mẹ nghèo miền tây ngày 6 lượt bồng 2 con đến trường

Thương 2 con khuyết tật nhưng hiếu học, suốt 6 năm qua, một người mẹ nghèo ở miền Tây làm đôi chân không biết mỏi để đưa các con đến trường chinh phục ước mơ.
Đó là câu chuyện xúc động về tình mẫu tử của bà Đào Ngọc Đào (47 tuổi) dành cho 2 đứa con đều bị khuyết tật đôi chân là Đặng Ngọc Minh Tân (12 tuổi) và Đặng Ngọc Minh Hưng (10 tuổi, cùng ngụ xã Tân Thới, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ).
Còn nước còn tát
Bà Đào kể, khi mang thai đứa con đầu lòng, vợ chồng bà đặt rất nhiều kỳ vọng. Tân chào đời bụ bẫm, mẹ tròn con vuông, gia đình hai bên vui mừng khôn siết. Song, đến tháng thứ 3 thì dấu hiệu bất thường dần hiện ra.
“Tôi không thấy con đòi lật mình qua lại, tay chân ít chòi đạp như con nít bình thường. Lớn hơn 1 chút, con vẫn vậy, xót xa vô cùng. Dòng họ 2 bên chưa gặp trường hợp này”, bà Đào nhớ lại.
Bị khuyết tật giống anh trai, Hưng cũng thích được đi học
THANH DUY
Hơn 1 tuổi, thay vì tập đi những bước chân đầu đời thì Tân phải đối mặt với nhiều lộ trình tầm soát bệnh tật và thuốc thang điều trị. Của cải gia đình từ đó ngày càng khánh kiệt. Rồi bác sĩ báo tin dữ chỉ có thể bồi dưỡng sức khỏe cho Tân, việc chữa hết bệnh tật là điều rất khó.
Dẫu còn một tia hy vọng nhỏ thì vợ chồng bà Đào vẫn quyết tâm còn nước còn tát. Hết kiên trì tập vật lý trị liệu cho Tân rồi đến nẹp chân giả, mang đai lưng… nhưng không có phép màu xảy ra.
Bà Đào nói trong bế tắc: “Đôi chân của Tân cũng phát triển nhưng không có cảm giác, ai đặt đâu thì ngồi đó. Ít vận động nên cơ thể mềm nhũn như người không xương. Lớn hơn một chút, con tập nói bập bẹ, nũng nịu và nhõng nhẽo mẹ. Thấy điều dễ thương đó, rồi nghĩ đến cảnh con phải mang hình hài tật nguyền suốt đời, lòng buồn đứt ruột đứt gan”.
Hưng (trái) và Tân đều có đôi chân khiếm khuyết
THANH DUY
Hai năm sau, vợ chồng bà Đào quyết định sinh thêm đứa con thứ 2 với hy vọng điều may mắn rồi sẽ mỉm cười. Thế nhưng, cú sốc tinh thần bồi thêm nặng nề khi nghịch cảnh một lần nữa lặp với ông bà, bởi tình trạng của Hưng cũng thiệt thòi không kém gì người anh trai của mình.
6 lượt đưa con đi học
Lớn lên, các con lớn đòi đi học vì muốn biết chữ và có bạn bè. Ban đầu, vợ chồng bà Đào nghĩ điều đó không dễ vì việc cầm viết thôi đã quá khó khăn với các con.
“Tay của 2 con rất yếu, nhấc chai nước nhỏ không nổi thì làm sao điều khiển được bút. Nhưng không biết bằng cách nào mà chúng dần luyện được chữ viết ngày càng ngay hàng thẳng lối. Dù còn hơi nguệch ngoạc nhưng vợ chồng tôi rất tự hào vì sự cố gắng của 2 con”, bà Đào nói.
Mọi vấn đề sinh hoạt của Tân đều cần mẹ giúp đỡ
THANH DUY
Suốt 6 năm qua, chồng đi làm phụ hồ, bà Đào đảm nhận việc chăm sóc và đưa các con đến trường. Khi anh em Tân còn học chung cấp tiểu học, bà ẵm 2 con lên xe lăn rồi đẩy bộ tới trường. Thời tiết lúc nắng lúc mưa, điểm học xa hay gần thì bà Đào cũng luôn cố gắng, không một lời thở than. Con ngồi học, bà lấp ló ngoài cửa sổ dõi theo, hạnh phúc vì con không tự ti về hoàn cảnh mà ngược lại còn mạnh dạn hòa nhập với thầy cô, bạn bè.
Cân nặng của Tân sắp gần bằng mẹ
THANH DUY
Hiện, Hưng học lớp 4, Tân học lớp 6 Trường THCS Tân Thới (H.Phong Điền, TP.Cần Thơ). Hai điểm trường ngược hướng và cách nhau khá xa nên mỗi ngày bà Đào phải tranh thủ thời gian cho 6 lần đưa, rước các con. Bà bộc bạch: “Các con không thể đi lại nên mọi chuyện sinh hoạt, ăn uống, vui chơi đều cần mẹ giúp đỡ. Buổi sáng chỉ có Hưng tới trường, buổi chiều thì cả 2 anh em điều đi học nên có phần vất vả hơn. Khoảng 12 giờ thì tôi chở Tân qua trường trước, xong gấp rút chạy về cho kịp giờ đưa Hưng đi học vào lúc 14 giờ. Hơn 16 giờ thì lại tất bật đi đón Hưng về, đến 17 giờ là tới lượt Tân”.
Dù khó khăn nhưng Tân có học lực thuộc top đầu của lớp
THANH DUY
Theo bà Đào, việc đưa rước các con phần nào đã ít nhọc nhằn hơn từ khi 2 vợ chồng chắt chiu dành dụm mua được chiếc xe điện. Hưng còn nhỏ nên ẵm một mạch từ phòng ra xe khá dễ dàng. Tân thì lại khác, do cân nặng xấp xỉ mẹ nên bà Đào phải ẵm xuống xe lăn, rồi mới tiếp tục ẵm con lên xe điện.
Thử thách lớn nhất là khi ẵm Tân vượt qua những bậc cầu thang trường học. Lúc ấy, gương mặt người mẹ nghèo hiện rõ nỗi khắc khổ, đôi tay run run vì đuối sức.
Từ lớp 1 đến lớp 6 mẹ đều đồng hành cùng anh em Tân tới trường
THANH DUY
“Nhiều hôm mệt lắm nhưng cố nén vì sợ con biết. Nếu các con muốn học nữa, vợ chồng tôi luôn sẵn sàng làm đôi chân giúp các con thực hiện những điều mình thích. Đến bây giờ tôi vẫn chưa nguôi trăn trở về những thiệt thòi của các con. Nếu mình vất vả mà mang lại niềm vui phần nào cho chúng thì cũng thấy xứng đáng”, bà Đào xúc động nói.
Bà Đào luôn cố gắng là đôi chân không mỏi giúp các con tới trường chinh phục giấc mơ
THANH DUY
Chia sẻ với PV Thanh Niên, thầy Trần Hữu Dư, giáo viên Trường THCS Tân Thới, cho biết nhà trường đã tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của Tân. Gia đình em ít ruộng đất, nguồn thu nhập chính là tiền công làm thợ hồ của cha. Dù khuyết tật nhưng Tân thông minh, chăm chỉ học tập. Học kỳ I vừa qua, em đạt học lực khá, nằm trong top đầu của lớp.
“Nhà trường cũng rất quan tâm tới trường hợp của Tân. Đầu năm học tạo điều kiện để em nhận học bổng, tập sách, đồng phục. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu cũng đã có kế hoạch bố trí phòng học ở tầng trệt cho Tân học hết cấp THCS, nhằm giúp người thân dễ dàng đưa rước em hơn’, thầy Dư chia sẻ.
Trước đó cũng có một người mẹ nghèo miền Tây 13 năm bồng con gái nhiễm chất độc da cam đến trường.
Để giúp người con gái bị nhiễm chất độc da cam chinh phục ước mơ trở thành sinh viên, suốt 13 năm qua, mỗi ngày bà Thị Ly (53 tuổi, ngụ H.Vị Thủy, Hậu Giang ) đều bồng con đến trường.
Bà Ly kể, trước đây bà và chồng là Phạm Văn Ải (52 tuổi) gặt lúa mướn quanh năm. Vì nghèo, khi mang thai 3 đứa con đầu bà Ly đều không đi khám thai và đứa trẻ nào ra đời cũng bình thường, khỏe mạnh. Đến lượt Phạm Thị Nhí (năm nay 19 tuổi) chào đời, bác sĩ báo tin dữ là Nhí bị dị tật do nhiễm chất độc da cam.
Cú sốc tinh thần quá lớn khiến vợ chồng bà Ly gần như suy sụp: “Tôi đầy đủ chân tay, làm quần quật mà chưa đủ ăn. Tương lai con sẽ ra sao với thể trạng nhỏ thó, đôi chân co quắp không thể đi lại. Cứ nghĩ đến là nước mắt trực trào”.
Tìm tương lai cho con trong nước mắt
Chỉ chuyện tập ngồi cho Nhí thôi cũng đã quá khó khăn. Đôi chân co quắp khiến Nhí đau đớn, quấy khóc khi ngồi. Lo sợ trong giai đoạn phát triển không nắn, sửa chân được thì lớn lên phải nằm một chỗ suốt đời nên tranh thủ những lúc con ngủ say, dù khuya hay sớm, bà Ly đều xoa bóp đôi chân cho con. Cần mẫn qua nhiều tháng, Nhí mới quen dần với tư thế ngồi.
Đến tuổi vào lớp 1, Nhí nặng chưa đến 16 kg, cao xấp xỉ 50 cm, nhà trường không dám nhận. Gián đoạn 1 năm chăm sóc, bế Nhí đi chữa trị nhiều nơi nhưng không cải thiện bao nhiêu, bà Ly cố gắng thuyết phục kèm theo hồ sơ bệnh tình của con để con được vào học. Từ nhà đến trường hơn 2 km, đường đất lởm chởm, cỏ dại mọc đầy. Mùa khô, bế con đến trường, bà Ly ướt đẫm mồ hôi, nhưng dẫu sao cũng tốt hơn mùa mưa. Bởi khi mưa, bà không không dám để Nhí xuống để nghỉ mệt vì sợ quần áo tinh tươm của con bẩn bùn.
Cứ vậy, đều đặn mỗi ngày, bà bế con đến trường, chờ con học xong thì bế về… Rồi quãng đường kéo dài hơn với người mẹ nghèo khi Nhí học cấp 2, cấp 3.
Bà Ly bế Nhí từ ký túc xá qua lớp học, từ giảng đường này sang giảng đường khác… để cô gái bị nhiễm chất độc da cam được chạm đến ước mơ
ẢNH: THANH DUY
Năm lớp 6, bà Ly bế Nhí lên TP.HCM phẫu thuật chỉnh hình đôi chân. Kết cuộc, bà quay về cùng nỗi thất vọng vì trường hợp của Nhí quá khó khăn, không thể thực hiện. Năm Nhí học 11, hay tin tại TP.Cần Thơ tổ chức chương trình phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhân mắc bệnh bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn, hợp tác điều trị có các chuyên gia nước ngoài, bà đưa Nhí đến xin được phẫu thuật. Nhưng rồi các bác sĩ lại lắc đầu, bà Ly gần như tuyệt vọng.
“Hôm đó, trên xe đò trở về quê, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. Nhí nghẹn ngào hỏi tôi ‘con vĩnh viễn không thể đi lại, chạy nhảy như các bạn hả mẹ’. Tôi như đứt ruột, đứt gan”, bà Ly xúc động kể.
Dành trọn đời chăm sóc con
Phạm Thị Nhí hiện là sinh viên năm thứ 1 Trường Cao đẳng Cần Thơ. Bà Ly vui mừng vì con đã chạm đến ước mơ. Tạm gác công việc thường nhật ở quê, bà lên Cần Thơ sống với Nhí để mỗi ngày bế con đi học và nhận được sự đồng cảm, ủng hộ nhiệt tình từ chồng. Đồng hành cùng Nhí trên giảng đường là đôi chân của bà Ly. Bà bế con từ ký túc xá qua lớp học, từ giảng đường này sang giảng đường khác…
Mọi hoạt động của Nhí từ đi đứng, sinh hoạt, học tập đều cần sự giúp đỡ của mẹ.
ẢNH: THANH DUY
Ông Ải nói: “Tôi làm thuê bấp bênh, thu nhập ngày có ngày không. Dù vất vả nhưng thấy Nhí ham học thì thật vui mừng. Vợ chồng tôi mỗi người một cách thương con, nhưng cả hai đều đang cố gắng giúp Nhí được học hành đến nơi đến chốn”.
Không còn sự giúp đỡ của xóm giềng, người mẹ miền Tây phải tự lo liệu và chu toàn mọi việc từ đi đứng, sinh hoạt, học tập của Nhí. Để con không mặc cảm vì đôi chân khiếm khuyết, các hoạt động phong trào bà Ly cũng bế con tham gia.
Biết mình không còn nhanh nhẹn như trước, chưa tan tiết học của con, bà Ly đã vội lên giảng đường, đứng lấp ló ngoài cửa sổ chờ con. Mỗi ngày ít nhất 4 lượt đón đưa, bế Nhí lên xuống nhiều bậc thang chuyển lớp, lúc nào bà Ly cũng tranh thủ đưa con đi học đúng giờ.
Có lần Nhí bị chấn thương chân do bị ngã, không thể bế bên hông, bà Ly phải bế trước ngực rất nhọc nhằn. “Cánh tay tê mỏi đưa lên xuống không được. Trước đây sau 1 – 2 ngày thì khỏi. Bây giờ tôi có tuổi, sức không còn bền nên cứ trở lạnh là đau nhức. Cơn đau kéo dài phải đi mua thuốc uống thường xuyên”, bà Ly chia sẻ.