Ba người con gái tài danh và giới nghệ sĩ tiễn biệt NSND Trần Tiến về nơi an nghỉ cuối cùng
Ba người con gái Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi cùng đồng nghiệp, bạn bè có mặt tại Nhà tang lễ Quốc gia để tiễn biệt NSND Trần Tiến về nơi an nghỉ cuối cùng.
Sáng 27/1, đông đảo nghệ sĩ, đồng nghiệp, bạn bè và nhiều thế hệ diễn viên đã có mặt tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) để tiễn đưa NSND Trần Tiến. NSƯT Xuân Bắc – Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam – là thành viên ban tổ chức tang lễ. Trước khi về hưu, NSND Trần Tiến hoạt động ở Nhà hát kịch Việt Nam.
NSƯT Lê Mai – vợ cũ NSND Trần Tiến cùng các thành viên gia đình, đồng nghiệp có mặt từ sớm để tiễn biệt ông. Nắm tay Lê Mai là nghệ sĩ Kim Xuyến.
Tang lễ bắt đầu lúc 9h15. Ba người con gái nổi tiếng của NSND Trần Tiến là NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Vân, Lê Vi đều có mặt.
Ngoài ra, còn có các cháu, chắt, chút đến nhìn mặt cố nghệ sĩ lần cuối. Theo chia sẻ từ NSND Lê Khanh, ông ra đi ở tuổi 87 trong vòng tay yêu thương của gia đình.
NSND Trần Tiến và NSƯT Lê Mai có 3 cô con gái đều thành danh trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong đó, NSƯT Lê Vân là con gái cả, nổi tiếng với các vai kinh điển như chị Dậu (Chị Dậu), Duyên (Bao giờ cho đến tháng 10), tuyên phi Đặng Thị Huệ (Đêm hội Long Trì); NSND Lê Khanh được xem như “bà hoàng” của sân khấu kịch miền Bắc, nổi tiếng với vai Lý Chiêu Hoàng trong vở Rừng trúc, gần đây chị tham gia series Gái già lắm chiêu; còn Lê Vi là em út, nghệ sĩ ưu tú trong lĩnh vực múa.
NSƯT Xuân Bắc cùng đoàn cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam tới tiễn biệt NSND Trần Tiến. Ông là một trong những nghệ sĩ tiêu biểu khi còn công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương từ tháng 10/1954 (nay là Nhà hát kịch Việt Nam).
NSND Trung Anh rơi nước mắt tại tang lễ NSND Trần Tiến.
Chia sẻ với Zing, ông cho biết: “Đối với tôi, NSND Trần Tiến là một trong những nghệ sĩ tiêu biểu thuộc thế hệ vàng son của Nhà hát Kịch Việt Nam. NSND Trần Tiến là một con người tài hoa vẹn toàn. NSND Trần Tiến có đời sống đậm chất nghệ, dành trọn tâm huyết cho nghề. Bản thân tôi ngưỡng mộ tài năng lẫn phong cách sống của ông”.
“NSND Trần Tiến mất đi là một tổn thất vô cùng to lớn không chỉ đối với gia đình mà còn là mất mát không gì bù đắp nổi đối với các thế hệ nghệ sĩ, cán bộ Nhà hát Kịch Việt Nam và những người yêu sân khấu”, NSƯT Xuân Bắc viết trong sổ tang.
NSƯT Chí Trung đại diện đoàn nghệ sĩ Nhà hát hát Tuổi trẻ đến tiễn đưa NSND Trần Tiến. Bên cạnh Chí Trung còn có các nghệ sĩ Thanh Dương, Vân Dung, Hương Tươi đều thuộc Nhà hát Tuổi trẻ.
NSND Trọng Trinh cùng các thế hệ nghệ sĩ Hà Nội khác tới viếng NSND Trần Tiến.
Diễn viên Thanh Sơn cũng có mặt từ sớm hỗ trợ công tác chuẩn bị tang lễ. Thanh Sơn hiện là gương mặt trẻ nổi bật của sân khấu kịch Nhà hát Tuổi trẻ.
Sau lễ tang, lễ truy điệu bắt đầu lúc 10h30. Cố nghệ sĩ được tiễn đưa trong giai điệu của ca khúc Em ơi, Hà Nội phố (Phú Quang). Sau đó, thi hài của NSND Trần Tiến được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ và an nghỉ tại nghĩa trang Yên Kỳ (Hà Nội).
NSND Trần Tiến sinh năm 1937 tại Hà Nội, trong gia đình có hai anh em. Ông có anh trai là NSƯT Trần Văn Nghĩa, nguyên Giám đốc Nhà hát múa rối Trung ương.
NSND Trần Tiến hoạt động nghệ thuật từ năm 1954, khởi đầu với một số vai diễn hề gậy, hề chèo. NSND Thế Lữ và NSND Đào Mộng Long đã phát hiện năng khiếu trời phú của Trần Tiến nên khuyến khích ông đến với kịch nói và sau này là điện ảnh.
Năm 1961, ông học khóa diễn viên Trường Nghệ thuật Sân khấu. NSND Trần Tiến là diễn viên của Nhà hát kịch Trung ương đến năm 2012 thì nghỉ hưu. Năm 1997, NSND Trần Tiến được Nhà nước tặng Huân chương Lao đông hạng Nhất.
NSND Trần Tiến là nghệ sĩ gạo cội của sân khấu kịch Việt Nam. Trong sự nghiệp nghệ thuật, ông được biết đến với những vai diễn, như: Đại Cát trong vở “Quẫn”, Đế Thích trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, Hoài Nghi trong “Chuông đồng hồ điện Kremli”, “cố vấn ái tình” trong “Kén rể”… Ông là tấm gương lao động nghệ thuật đáng để thế hệ trẻ noi theo.
Không chỉ ghi dấu với những vai chính diện trên sân khấu vốn là sở trường, ông còn thể hiện thành công nhiều vai tính cách. Qua mỗi vai diễn ông gửi gắm những suy tư, trăn trở về cuộc đời, về thân phận con người.